Ngày 14, 15/12/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật và tổng kết công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm đánh giá kết quả công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2022, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, đồng thời phổ biến một số văn bản liên quan đến công tác hòa giải, đối thoại.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Lê Văn Thường – Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; đồng chí Nguyễn Thúy Liên – Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án; các đồng chí Lãnh đạo các Tòa, Phòng Tòa án nhân dân tỉnh; Chánh án Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cùng với các Hòa giải viên của Tòa án nhân dân hai cấp.
Tính đến thời điểm hiện tại, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã bổ nhiệm tổng cộng 33 Hòa giải viên cho Tòa án nhân dân hai cấp, cụ thể: 03 Hòa giải viên của Tòa án nhân dân tỉnh; 30 Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Đồng chí Lê Văn Thường – Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng,
Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Kết quả hoạt động hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bình Định năm 2022 (tính từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022): Tổng số vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính mà Tòa án chuyển sang hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là 1.256 vụ việc; Tổng số vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính được Hòa giải viên hòa giải thành, đối thoại thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là 615 vụ việc.

Đồng chí Nguyễn Thúy Liên – Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án
Tòa án nhân dân tỉnh trình bày nội dung Báo cáo
Tại Hội nghị, các đơn vị và Hòa giải viên có số vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cao đã trao đổi các kinh nghiệm, thực tiễn và phương pháp trong công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án giúp mang lại những kết quả thiết thực, hiệu quả, từ đó thể hiện được mục đích, ý nghĩa, vai trò to lớn của công tác hòa giải, đối thoại đối với Tòa án và toàn xã hội.

Đồng chí Lê Văn Thường trao Quyết định bổ nhiệm cho các Hòa giải viên
Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã tặng Giấy khen cho các cá nhân, tập thể có số vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cao nhất trong năm 2022 đối với: 03 đơn vị (Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước là 203 vụ việc; Tòa án nhân dân thành phố Quy Nhơn là 83 vụ việc; Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thạnh là 77 vụ việc) và 03 Hòa giải viên (Ông Tô Khắc Thái – Hòa giải viên Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước với 94 vụ việc; Bà Phan Thị Bảy – Hòa giải viên Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước với 86 vụ việc; Ông Phan Thanh Lịch – Hòa giải viên Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thạnh với 77 vụ việc).

Đồng chí Lê Văn Thường tặng Giấy khen cho các đơn vị có thành tích tốt
trong công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2022
Tại Hội nghị, đồng chí Phan Minh Dũng – Thẩm phán trung cấp, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã phổ biến những các văn bản mới có liên quan đến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đồng thời trình bày một số nội dung có liên quan đến kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải, đối thoại nhằm giúp cho các Hòa giải viên nắm bắt rõ hơn các quy định của pháp luật và tháo gỡ những vướng mắc trong công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Đồng chí Nguyễn Thúy Liên tặng Giấy khen cho các Hòa giải viên có thành tích tốt
trong công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2022
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Văn Thường – Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Tòa án nhân dân hai cấp, đặc biệt đồng chí ghi nhận sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các Hòa giải viên trong thời gian qua đã trực tiếp đưa Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã đi vào cuộc sống, tạo ra phương thức giải quyết tranh chấp mới, trong đó đương sự là chủ thể chính, là người thiết kế quy trình, đề xuất phương án, quyết định kết quả, các Hòa giải viên đóng vai trò kết nối nhằm hướng đến sự đồng thuận của các bên; giúp cho các đương sự hiểu, thông cảm với nhau, giảm bớt mâu thuẫn, tranh chấp, ngăn ngừa phát sinh tội phạm. Đồng chí đề nghị Lãnh đạo các đơn vị chú trọng tăng cường hơn nữa công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/2022/CT-CA ngày 14/3/2022 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc tăng cường công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chấn chỉnh và khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần xác định hòa giải, đối thoại là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu tại các Tòa án để có phương án, kế hoạch cụ thể để triển khai thi hành nghiêm túc, có hiệu quả. Đồng chí cũng đề nghị các Hòa giải viên trong thời gian tới tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa những nội dung đã được trao đổi tại Hội nghị, nghiên cứu các quy định của pháp luật để áp dụng trong quá trình hòa giải, đối thoại các vụ việc nói chung, các vụ việc về hôn nhân và gia đình nói riêng để từ đó việc hàn gắn những mâu thuẫn, ngăn ngừa những bất đồng phát sinh và giữ được sự đoàn kết trong nhân dân, đồng thời việc hòa giải, đối thoại thành công giúp cho Tòa án không phải tiến hành xét xử tại phiên tòa, tiết kiệm được những chi phí, thời gian và công sức của các bên, từ đó góp phần làm giảm áp lực về công việc cho các Tòa án.
Ngọc Tuấn